Pages

Giới thiệu sơ bộ hệ thống thủy lợi sông Nhuệ

 

TÓM TẮT LỊCH SỬ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

HỆ THỐNG THỦY LỢI SÔNG NHUỆ


Hệ thống Thủy lợi Sông Nhuệ được bao bọc bởi sông Hồng ở phía đông và bắc, sông Đáy ở phía tây, sông Châu Giang ở phía nam, kéo dài từ 20o32’40” đến 21o09’0” vĩ độ bắc, 105o37’30” đến 106o02’0” kinh độ đông, bao gồm một phần đất đai của Thủ đô Hà Nội và tỉnh Hà Nam: Thủ đô Hà Nội có 11 quận nội thành nằm phía bờ nam sông Hồng gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và 7 huyện nằm phía đông sông Đáy gồm Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì, Thanh Oai, Ứng Hoà, Thường Tín, Phú Xuyên; Tỉnh Hà Nam có thành phố Phủ lý và 2 huyện Duy Tiên, Kim Bảng nằm phía bắc sông Châu Giang và phía đông sông Đáy.

1. Thời thuộc Pháp

Năm 1932 các kỹ sư người Pháp đã quy hoạch xây dựng hệ thống công trình tưới tiêu cho vùng đất canh tác màu mỡ được bao bọc bởi sông Hồng, sông Đáy và sông Châu Giang với diện tích tự nhiên 107.530 ha, hình thành nên Hệ thống Thủy nông Liên Mạc - Phủ Lý (Hệ thống Thủy lợi Sông Nhuệ ngày nay). Thời điểm đó toàn hệ thống có tới 94.000 ha đất canh tác gồm 18.000 ha đất cao chỉ cấy được 1 vụ mùa, 28.000 ha đất 2 vụ và 48.000 ha đất trũng chỉ cấy được 1 vụ chiêm. Sông Hồng là nguồn cấp nước tưới, sông Đáy là nơi nhận nước tiêu và sông Nhuệ là trục chính tưới tiêu kết hợp của hệ thống.

a) Quy hoạch tưới:

Không đặt vấn đề cấp nước tưới cho khoảng 9.000 ha đất canh tác có cao độ trên 7,5 m và dưới 1,5 m. Hệ số tưới áp dụng cho những chân ruộng có cao độ từ 1,50 m đến 2,00 m là 0,20 l/s/ha, từ 2,00 m đến 4,15 m là 0,50 l/s/ha, từ 4,14 m đến 7,50 m là 0,60 l/s/ha. Mực nước thiết kế tưới tại Liên Mạc đầu vụ chiêm là 3,65 m và cuối vụ là 3,30 m.

b) Quy hoạch tiêu: 

Hệ thống Thủy lợi Sông Nhuệ là hệ thống duy nhất trong số 13 hệ thống thủy nông được xây dựng ở nước ta thời thuộc Pháp có thêm chức năng tiêu nước. Toàn hệ thống được tiêu tự chảy ra sông Đáy với hệ số tiêu 1,50 l/s.ha. Tổng lưu lượng tiêu thiết kế là 165 m3/s được chia cho các sông như sau: La Khê 20 m3/s, Vân Đình 20 m3/s, Duy Tiên 41 m3/s, Nhuệ 81 m3/s và ngòi Phương Khê 3 m3/s.

c) Các công trình đã xây dựng:

Đến trước năm 1954 Chính phủ Pháp đã xây dựng trên Hệ thống Thủy lợi Sông Nhuệ một số công trình tưới tiêu có quy mô lớn sau đây:

- Cống Liên Mạc (1937-1940): Xây dựng tại Km0+304 trên sông Nhuệ và Km53+700 trên đê Hữu Hồng. Cống có quy mô 4 cửa rộng 3,0 m và 1 âu thuyền rộng 6,0 m, cao trình ngưỡng + 1,00 m, lấy nước tự chảy từ sông Hồng vào sông Nhuệ để tưới cho toàn hệ thống.

 - Các công trình điều tiết nước tưới trên sông Nhuệ: Cống Hà Đông (1938-1939) tại Km16+182, quy mô 2 cửa rộng 3,5 m và 1 âu thuyền rộng 6,0 m, cao trình ngưỡng - 0,81 m; Cống Đồng Quan (1939-1941) tại Km43+750, quy mô 5 cửa rộng 2,5 m và 1 âu thuyền rộng 6,0 m, cao trình ngưỡng - 2,23 m; Cống Nhật Tựu (1939-1941) tại Km63+405, quy mô 8 cửa rộng 2,5 m và 1 âu thuyền rộng 6,0 m, cao trình ngưỡng - 2,82 m. Cống Điệp Sơn (1941-1942) tại Km21 sông Duy Tiên, quy mô 3 cửa rộng 2,5 m và 1 âu thuyền rộng 6,0 m, cao trình ngưỡng - 1,50 m. Dọc hai bờ trục chính sông Nhuệ còn có 60 cống lấy nước tưới các loại.

 - Công trình phân lũ Đập Đáy (1934-1937): Công trình có nhiệm vụ: i) Ngăn lũ từ sông Hồng vào sông Đáy và hạ thấp mực nước sông Đáy tại Phủ Lý để tiêu tự chảy cho Hệ thống Thủy lợi Sông Nhuệ; và ii) Phân lũ sông Hồng vào sông Đáy với lưu lượng lớn nhất 3.000 m3/s khi mực nước lũ sông Hồng tại Hà Nội cao hơn cao trình +11,30 m và có xu hướng vẫn tiếp tục dâng cao đe dọa sự an toàn của các tuyến đê Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng. Theo tính toán, trung bình khoảng từ 3 năm đến 4 năm Đập Đáy sẽ mở cửa phân lũ một lần. Đập Đáy được thiết kế theo kiểu mái nhà có hai mái tách rời nhau lợp bằng gỗ (chủ yếu là gỗ lim). Mái thượng lưu gối lên mái hạ lưu. Cả hai mái đều có bản lề quay gắn liền với móng đập. Cửa van được nâng lên hạ xuống tự động nhờ sức đẩy của nước trong hầm phao làm nổi hàng phao đặt bên trong mái. Đập Đáy có quy mô 7 cửa mỗi cửa rộng 33,75 m, cao trình ngưỡng tràn +7,0 m, trụ pin rỗng rộng 3,0 m bên trong bố trí thiết bị đóng mở, tường ngực cao 2,30 m từ cao trình +12,5 m đến +14,8 m. Sau khi hoàn thành, người Pháp đã cho vận hành thử 3 lần vào các năm 1939, 1941, 1942 với đầu nước thấp và 3 lần phân lũ chính thức vào các năm 1940, 1945 và 1947 với lưu lượng lớn nhất (1945) khoảng từ 2.200 m3/s đến 2.300 m3/s. Cả ba lần mở đều xảy ra sự cố là các cửa cống không thể hạ xuống đến mức dự kiến mà bập bềnh ở cao trình từ +10,5 m đến +11,0 m.

Năm 1976 công trình được cải tạo nâng cấp để có thể phân được lưu lượng lũ lên tới 5.000 m3/s. Quy mô công trình sau cải tạo còn 6 cửa (lấp cửa số 1 cũ), nâng cao cao trình trụ pin lên +16,0 m, mở rộng bề rộng trụ pin từ 3,0 m lên 8,2 m, cao trình tường ngực +16,0 m. Nâng cao đáy dầm chính thêm 1,80 m (từ +11,50 m lên +13,30 m). Thay thế các cửa van kiểu mái nhà bằng hệ thống của van cung hình cánh quạt rộng 33,75 m cao 4,90 m, đóng mở bằng điện.

 - Các cống tiêu tự chảy ra sông Đáy và chắn nước lũ từ sông Đáy vào hệ thống khi công trình phân lũ Đập Đáy hoạt động: Cống Lương Cổ (1936-1938) tại Km72+506 trên sông Nhuệ, quy mô 5 cửa rộng 6,0 m và 1 âu thuyền rộng 6,0 m, cao trình ngưỡng - 3,00 m; Cống La Khê (1938-1940) tại Km6+322 sông La Khê và Km38+000 đê Tả Đáy, quy mô 2 cửa rộng 4,5 m, cao trình ngưỡng + 0,40 m; Cống Vân Đình (1938-1940) tại Km11+929 sông Vân Đình và Km72+000 đê Tả Đáy, quy mô 2 cửa rộng 4,5 m, cao trình ngưỡng - 0,56 m. Dọc hai bờ các trục tiêu chính còn có 50 cống tiêu các loại.

2. Thời kỳ 1954 - 1973

Năm 1971 tổng diện tích đất canh tác của hệ thống theo thống kê có 77.497 ha, trong đó Hà Nội 9.041 ha, Hà Tây (cũ) 51.198 ha và Hà Nam 17.258 ha. Ngày 20/8/1971 lần đầu tiên kể từ ngày Giải phóng Thủ Đô và là lần thứ tư kể từ ngày xây dựng xong (1937) Đập Đáy đã mở tất cả các cửa để phân lũ từ sông Hồng vào sông Đáy với lưu lượng phân lớn nhất theo tính toán đạt từ 2.000 m3/s đến 2.200 m3/s. Giai đoạn này đã có 3 lần nghiên cứu bổ sung quy hoạch xây dựng thêm công trình trên hệ thống (quy hoạch năm 1960, 1965 và 1969).

a) Quy hoạch tưới:

Năm 1960 xây dựng trạm bơm Đan Hoài quy mô 5 tổ máy loại 8.000 m3/h lấy nước sông Hồng tưới cho các huyện Đan Phượng, Hoài Đức và Từ Liêm, hình thành Hệ thống tưới Đan Hoài. Năm 1962 xây dựng trạm bơm La Khê lắp 6 tổ máy loại 8000 m3/h lấy nước sông Nhuệ tưới cho các huyện Thanh Oai, Ứng Hòa và Phú Xuyên, hình thành Hệ thống tưới La Khê. Năm 1966 xây dựng dựng trạm bơm Hồng Vân lắp 5 tổ máy loại 8000 m3/h lấy nước sông Hồng tưới cho các huyện Thanh Trì, Thường Tín và Phú Xuyên, hình thành Hệ thống tưới Hồng Vân. Ngoài những trạm bơm tưới quy mô lớn kể trên, trong những năm 60 của thế kỷ trước nhiều trạm bơm tưới loại vừa và nhỏ như Thuỵ Phương, Nội Xá, Tân Triều, Vĩnh Tuy, Hoàng Nguyên, Đại Thanh... và nhiều trạm bơm cục bộ khác tiếp tục được xây dựng. Tính đến năm 1973 trên hệ thống đã xây dựng được 23 trạm bơm tưới với tổng lưu lượng thiết kế đạt 44,34 m3/s phụ trách diện tích tưới lên đến 45.168 ha.

b) Quy hoạch tiêu:

Vẫn tiếp tục nghiên cứu nâng cao khả năng tiêu tự chảy của hệ thống ra sông Đáy bằng việc xây dựng thêm một số cống tiêu qua đê sông Đáy như Quế, Bược, Lạc Tràng, Ngoại Độ.... Mực nước tiêu thiết kế của sông Nhuệ tại Phủ Lý (tần suất 10%) nâng lên mức + 2,72 m.

Do tình hình úng ngập trong hệ thống ngày một gia tăng, khả năng tiêu tự chảy ngày một khó khăn nên từ đầu những năm 1960, ý định xây dựng trạm bơm để tiêu cho các vùng trũng đã hình thành và mau chóng được triển khai. Đến trước năm 1973 toàn hệ thống đã xây dựng được 41 trạm bơm tiêu có tổng lưu lượng thiết kế lên tới 234,47 m3/s phụ trách lưu vực rộng trên 58.000 ha.

3. Thời kỳ 1973 - 1997 (Thời kỳ thực hiện Quy hoạch hoàn chỉnh thủy nông)

Năm 1973 Bộ Thủy Lợi triển khai chương trình Quy hoạch hoàn chỉnh thủy nông trong 3 năm (1973-1976) trên phạm vi toàn Miền Bắc trong đó có Hệ thống Thủy lợi Sông Nhuệ. Thành quả lớn nhất của Quy hoạch lần này là sự thay đổi mang tính bước ngoặt về quan điểm quy hoạch và tư duy đầu tư xây dựng công trình thủy lợi. Đó là: i) Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống công trình từ đầu mối đến tận mặt ruộng, nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao mức đảm bảo thiết kế tưới tiêu; ii) Tăng cường biện pháp tưới tiêu bằng động lực; và iii) Ưu tiên giải quyết vấn đề tiêu úng cho các hệ thống thủy nông vùng đồng bằng, trong đó có các khu vực đô thị.

a) Quy hoạch tưới:

Kết quả nghiên cứu khẳng định nguồn nước bảo đảm cấp đủ nước tưới cho toàn bộ diện tích canh tác của hệ thống, chỉ cần hoàn chỉnh một số trạm bơm tưới cho vùng cao cục bộ, hoàn chỉnh hệ thống kênh mương và các công trình trên kênh.

b) Quy hoạch tiêu:

Chia hệ thống thành 9 tiểu vùng theo mô hình tổ chức quản lý điều hành và theo lưu vực tưới (tiêu) của các công trình lớn trên hệ thống, gồm: 1) Đan Hoài Từ (Đan Phượng, Hoài Đức và Từ Liêm) 19.538 ha, 2) La Khê 19.306 ha, 3) Nam Ứng Hòa (Ngoại Độ) 15.214 ha, 4) Kim Bảng 7.288 ha, 5) Thanh Trì 5.000 ha, 6) Hồng Vân 12.648 ha, 7) Phú Xuyên 11.062 ha, 8) Duy Tiên 13.815 ha và 9) Nội thành Hà Nội 3.500 ha. Quy hoạch cũng đề xuất xây dựng thêm nhiều trạm bơm lớn để tiêu trực tiếp ra các sông ngoài. Tổng diện tích tiêu ra các sông như sau:

- Tiêu ra sông Hồng 13.718 ha do 4 trạm bơm lớn phụ trách là: Vĩnh Tuy tiêu 3.500 ha vùng nội thành Hà Nội; Đông Mỹ tiêu 2.700 ha vùng nam Hà Nội và bắc Thanh Trì; Khai Thái tiêu 5.257 ha vùng nam Thường Tín (1.116 ha) và đông bắc Phú Xuyên (4.141 ha); Yên Lệnh tiêu 2.261 ha vùng bắc Duy Tiên.

- Tiêu ra sông Đáy 44.247 ha do 4 trạm bơm đảm nhận gồm: Vân Đình 13.666 ha, Ngoại Độ 15.214 ha, Quế 7.288 ha và Lạc Tràng 8.079 ha.

- Tiêu ra sông Nhuệ và sông Châu Giang 49.565 ha (sông Nhuệ 46.300 ha, sông Châu Giang 3.265 ha) trong đó có 10.326 ha tiêu tự chảy, 39.239 ha còn lại được tiêu bằng động lực do 28 trạm bơm phụ trách.

c) Một số chỉ tiêu thiết kế chính:

- Hệ số tưới thiết kế: Hệ số tưới ải áp dụng chung cho toàn hệ thống là 0,80 l/s/ha.

- Hệ số tiêu thiết kế: Các vùng Đan Hoài Từ 3,82 l/s/ha; Thanh Trì, Thanh Oai và Bắc Ứng Hòa 3,48 l/s/ha; Thường Tín 3,36 l/s/ha; Nam Ứng Hoà, Kim BảngĐông Phú Xuyên và Duy Tiên 3,70 l/s/ha.

- Mực nước tưới thiết kế tại các vị trí và công trình điều tiết trên hệ thống như sau:

Vị trí

Liên Mạc

Hà Đông

Đồng Quan

Thần

Nhật Tựu

Điệp Sơn

TL

HL

TL

HL

TL

HL

Đầu vụ (m)

3,77

3,72

3,56

3,53

3,34

3,32

3,25

3,20

3,15

Giữa và cuối vụ (m)

3,16

3,12

2,96

2,94

2,75

2,74

2,67

2,62

2,57

Mực nước tiêu thiết kế tại các vị trí trên trục chính sông Nhuệ như sau:

Vị trí

Hà Đông

Đồng Quan

Nhật Tựu

Lương Cổ

Phủ Lý

MNTK (m)

5,44

4,83

4,45

4,43

4,40


- Bắt đầu từ những năm cuối thập kỷ 70 và những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, miền Bắc nói chung và Hệ thống Thủy lợi Sông Nhuệ nói riêng thường xuyên xuất hiện nhiều trận mưa lớn gây úng ngập trên diện rộng khiến cho việc tiêu thoát nước gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó các chuyên gia của Bộ Thủy lợi đã tính toán xác định lại mực nước tiêu thiết kế áp dụng cho một số hệ thống thủy lợi. Ngày 16/5/1988 Bộ Thủy Lợi ban hành Quyết định số 281/QĐ-TN điều chỉnh mực nước tiêu thiết kế trên trục chính sông Nhuệ và sông Đáy như sau:

Sông

Sông Nhuệ

Sông Đáy

Vị trí

Liên Mạc

Hà Đông

Đồng Quan

Nhật Tựu

Lương Cổ

La Khê

Ba Thá

Vân Đình

Tân Lang

Phủ Lý

MNTK (m)

6,20

6,00

5,60

5,35

5,27

6,98

6,90

6,15

5,50

5,24


d) Kết quả thực hiện:

1) Trạm bơm Vân Đình lắp 28 tổ máy loại 8.000 m3/h (lưu lượng tiêu thiết kế 56,0 m3/s) tiêu 13.666 ha khu vực phía nam tiểu vùng La Khê, là công trình lớn duy nhất trên hệ thống được đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch. Các trạm bơm sau đây cũng được đầu tư xây dựng theo quy hoạch nhưng quy mô vùng tiêu và nhiệm vụ công trình có thay đổi đáng kể:

Trạm bơm Ngoại Độ: Theo quy hoạch toàn bộ 15.214 ha tiểu vùng Nam Ứng Hoà được tiêu ra sông Đáy bằng trạm bơm Ngoại Độ. Tuy nhiên khi xây dựng thì lưu vực của Ngoại Độ rút xuống chỉ còn 10.000 ha với hệ số tiêu 3,00 l/s.ha, thấp hơn nhiều so với hệ số tiêu thiết kế theo quy hoạch là 3,70 l/s.ha. Trạm bơm Ngoại Độ có quy mô 15 máy loại 8.000 m3/h;

- Trạm bơm Quế: Theo quy hoạch đảm nhận tiêu cho toàn bộ tiểu vùng Kim Bảng với tổng diện tích 7.288 ha, hệ số tiêu 3,70 l/s.ha nhưng khi xây dựng, trạm bơm Quế chỉ lắp 9 tổ máy loại 8.000 m3/h với lưu lượng thiết kế 18,0 m3/s, tương đương hệ số tiêu 2,47 l/s.ha.

- Trạm bơm Lạc Tràng: Theo quy hoạch tiêu trực tiếp ra sông Đáy qua cống Phủ Lý cho 8.079 ha khu vực phía nam tiểu vùng Duy Tiên. Tuy nhiên khi xây dựng trạm bơm Lạc Tràng chỉ lắp 10 máy loại 8.000 m3/h đảm nhận lưu vực 5.386 ha tiêu ra sông Châu Giang.

- Trạm bơm Đông MỹTheo quy hoạch là trạm bơm tiêu ra sông Hồng cho lưu vực 2.700 ha nằm phía đông Quốc lộ 1A phía nam Hà Nội và bắc Thanh Trì. Tuy nhiên thực tế xây dựng, Đông Mỹ lại là trạm bơm tưới tiêu kết hợp, lắp 24 tổ máy loại 1.000 m3/h, đảm nhận tưới 680 ha và tiêu 854 ha đất của xã Đông Mỹ huyện Thanh Trì với hệ số tiêu thiết kế lên tới 7,00 l/s/ha.

2) Đến thời điểm trước năm 1997, các trạm bơm sau đây vẫn còn trong giai đoạn hoặc đang được chuẩn bị đầu tư xây dựng hoặc đang xây dựng, nhưng quy mô và nhiệm vụ đều được điều chỉnh cho phù hợp với sự biến động của các yếu tố kinh tế - xã hội:

- Trạm bơm Vĩnh Tuy (Hà Nội) được thay thế bằng trạm bơm Yên Sở: Theo Quyết định số 430/QĐ-TTg ngày 07/8/1995 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể thoát nước Thành phố Hà Nội giai đoạn 1995-2010 thì trạm bơm Hà Nội đặt tại Yên Sở tiêu cho 7.750 ha vùng nội thành Hà Nội nằm phía đông sông Tô Lịch (thay vì chỉ tiêu 3.500 ha theo quy hoạch) với tổng lưu lượng thiết kế 90 m3/s, tương đương hệ số tiêu 11,60 l/s/ha. Năm 2000 đơn nguyên 1 lắp 5 tổ máy bơm chìm loại 3,0 m3/s và 6 tổ máy trục ngang loại 5,0 m3/s hoàn thành đưa vào khai thác. Năm 2010 hoàn thành nốt đơn nguyên thứ 2 lắp 9 tổ máy bơm trục ngang loại 5,0 m3/s, đưa tổng lưu lượng thiết kế của trạm bơm Yên Sở lên 90 m3/s.

- Trạm bơm Yên Lệnh: Lắp 3 tổ máy loại 7,0 m3/s tiêu ra sông Hồng cho lưu vực 4.472 ha của 6 xã khu vực đông bắc tiểu vùng Duy Tiên và 2 xã phía nam huyện Phú Xuyên, lớn gấp 2 lần so với quy hoạch đề ra, hệ số tiêu thiết kế 4,70 l/s/ha. Năm 2001 trạm bơm Yên Lệnh hoàn thành đưa vào khai thác.

- Trạm bơm Khai Thái: Lắp 3 tổ máy loại 7,0 m3/s, tiêu ra sông Hồng cho 4.208 ha khu vực phía đông bắc tiểu vùng Phú Xuyên, tiêu hỗ trợ 1.132 ha lưu vực của trạm bơm Lễ Nhuế khi trạm bơm này không thể tiêu ra sông Nhuệ và lấy phù sa sông Hồng để tưới hỗ trợ 4.000 ha đất canh tác nằm trong vùng tiêu (đây là các nhiệm vụ nằm ngoài quy hoạch đã duyệt), hệ số tiêu thiết kế 5,00 l/s/ha. Trạm bơm Khai Thái theo quy hoạch còn có nhiệm vụ tiêu cho 1.116 ha khu vực phía nam huyện Thường Tín thuộc tiểu vùng Hồng Vân nhưng khi xây dựng đã cắt bỏ nhiệm vụ này (do đã có trạm bơm Bộ Đầu xây dựng từ trước). Năm 2001 trạm bơm Khai Thái hoàn thành đưa vào khai thác.

3) Một số công trình quan trọng đã được xác định trong quy hoạch cần xây dựng ngay trong bước 1 nhưng đến năm 1997 vẫn chưa được thực hiện. Trong khi đó có nhiều công trình hoặc không nằm trong quy hoạch hoặc nằm ở những bước đầu tư sau thì lại được xây dựng trước như trạm bơm Bộ Đầu tiêu ra sông Hồng cho 1.257 ha khu vực phía nam huyện Thường Tín (nằm trong lưu vực tiêu trạm bơm Khai Thái theo quy hoạch) hay trạm bơm Song Phương tiêu ra sông Đáy cho 2.200 ha của huyện Hoài Đức.

Theo quy hoạch hoàn chỉnh thủy nông, toàn bộ vùng phía tây sông Nhuệ được tiêu ra sông Đáy bằng các trạm bơm lớn nhưng trên thực tế, dọc theo bờ tây sông Nhuệ từ Liên Mạc tới Lương Cổ đã có 62 trạm bơm lớn nhỏ lắp 313 tổ máy các loại trong đó có 36 máy loại 4.000 m3/h, 83 máy loại 2.000 - 2.500 m3/h, 194 máy loại từ 1.000 m3/h trở xuống, có tổng năng lực bơm lên tới 130,4 m3/s, tiêu trực tiếp vào sông Nhuệ cho tổng lưu vực rộng tới 20.742 ha.

4. Thời kỳ 1997 - 2009

Bắt đầu từ những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, tình trạng úng trên Hệ thống Sông Nhuệ đã diễn ra thường xuyên, gần như hàng năm với mức độ ngày một nghiêm trọng hơn. Đỉnh điểm là các trận mưa lớn xảy ra vào tháng 5/1994 và tháng 8/1994 đã gây úng ngập nặng cho trên 35.000 ha đất canh tác kéo dài trong nhiều ngày nhưng tất cả các trạm bơm dọc hai bờ sông Nhuệ đều phải ngừng bơm. Nguyên nhân là do mực nước sông Nhuệ và các sông nội đồng khác đã bị dâng lên quá cao khiến nhiều đoạn đê bị tràn bờ, nhiều đoạn xuất hiện các cung trượt cực kỳ nguy hiểm, có nơi cung trượt dài hàng trăm mét lấn sâu quá 1/3 mặt đê. Trong bối cảnh đó, năm 1995 Bộ Thủy Lợi giao nhiệm vụ cho Trung tâm Khoa học và Triển khai Kỹ thuật Thủy lợi nghiên cứu rà soát bổ sung quy hoạch với mục tiêu ưu tiên số 1 là giải quyết vấn đề tiêu thoát nước cho Hệ thống Thủy lợi Sông Nhuệ. Năm 1997 Quy hoạch đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.

Năm 2007 Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục giao cho Trung tâm Khoa học và Triển khai Kỹ thuật Thủy lợi khẩn trương nghiên cứu rà soát bổ sung quy hoạch tiêu nước cho Hệ thống Thủy lợi Sông Nhuệ, trong đó ưu tiên tìm giải pháp tiêu thoát nước cho khu vực phía Tây Thủ đô Hà Nội và giảm nhẹ lượng nước tiêu vào sông Nhuệ. Quy hoạch cũng đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt.

a) Quy hoạch tưới:

Tổng diện tích canh tác lấy nước trực tiếp từ sông Nhuệ qua cống Liên Mạc là 53.769 ha trong đó khu vực phía thượng lưu cống Đồng Quan có 21.288 ha và hạ lưu cống Đồng Quan là 32.481 ha. Hệ số tưới của hệ thống (tại mặt ruộng) theo quy hoạch được duyệt là 1,04 l/s/ha áp dụng cho khu vực phía thượng lưu cống Đồng Quan và 0,89 l/s/ha áp dụng cho khu vực hạ lưu cống Đồng Quan.

Năm 2002 khi nghiên cứu rà soát bổ sung quy hoạch tổng thể vùng Đồng bằng sông Hồng, Viện Quy hoạch Thủy lợi đề nghị hệ số tưới mặt ruộng áp dụng chung cho toàn Hệ thống Thủy lợi Sông Nhuệ là 1,10 l/s.ha.

Năm 2006 khi nghiên cứu lập quy hoạch thủy lợi cho tỉnh Hà Tây (cũ), Trung tâm Khoa học và Triển khai Kỹ thuật Thủy lợi đề nghị hệ số tưới mặt ruộng áp dụng cho Hệ thống Thủy lợi Sông Nhuệ là 1,20 l/s.ha.

Kết luận của các quy hoạch nói trên đều khẳng định nhiệm vụ cấp bách là phải nạo vét lòng dẫn, cải tạo nâng cấp trục chính sông Nhuệ và sông Duy Tiên cùng các công trình điều tiết trên hệ thống, đẩy nhanh tốc độ kiên cố hoá hệ thống kênh mương. Các quy hoạch nói trên cũng đều khẳng định sự cần thiết phải xây dựng lại cống Liên Mạc trên sông Hồng; cải tạo nâng cấp hệ thống tưới trạm bơm Hồng Vân lấy nước sông Hồng; cải tạo nâng cấp các trạm bơm lấy nước sông Nhuệ để tưới cho hệ thống.

b) Quy hoạch tiêu: 

Hệ thống Thủy lợi Sông Nhuệ vẫn được chia thành 4 vùng tiêu lớn theo hướng tiêu ra các sông với quy mô như sau:

+ Vùng tiêu ra sông Hồng: Tổng diện tích tiêu 18.432 ha. Trong đó trạm bơm Yên Sở đảm nhận lưu vực tiêu 7.750 ha cho toàn bộ khu vực nội thành Hà Nội giới hạn bởi đê Hữu Hồng ở phía đông và phía bắc, sông Tô Lịch ở phía tây và quốc lộ 70 (đường Văn Điển đi Hà Đông) ở phía nam. Số diện tích còn lại do các trạm bơm Đông Mỹ, Bộ Đầu, Khai Thái, Yên Lệnh phụ trách.

+ Vùng tiêu ra sông Đáy: Theo quy hoạch năm 1997 vùng tiêu ra sông Đáy có 29.974 ha, bao gồm lưu vực tiêu của các trạm bơm đã xây dựng như Song Phương, Vân Đình, Ngoại Độ, Quế và một số trạm bơm nhỏ khác. Năm 2007 diện tích vùng tiêu ra sông Đáy tăng lên 47.777 ha, bao gồm toàn bộ tiểu vùng Đan Hoài Từ và khu vực nội thành Hà Nội nằm phía tây sông Tô Lịch được tiêu ra sông Đáy bằng trạm bơm Yên Nghĩa (tăng thêm 17.803 ha). Như vậy toàn bộ khu vực Hà Nội nằm phía tây sông Tô Lịch, phía đông sông Đáy và phía bắc kênh La Khê có tổng diện tích cần tiêu 19.538 ha đều được tiêu ra sông Đáy.

 + Vùng tiêu ra sông Nhuệ: Theo quy hoạch năm 1997 vùng tiêu ra sông Nhuệ 47.423 ha bao gồm toàn bộ lưu vực tiêu của các trạm bơm đã có và đang hoạt động tiêu vào sông Nhuệ. Quy hoạch năm 2007 đã chuyển toàn bộ diện tích cần tiêu của tiểu vùng Đan Hoài Từ tiêu ra sông Đáy, diện tích vùng tiêu ra sông Nhuệ giảm xuống còn 29.620 ha.

+ Vùng tiêu vào các sông Duy Tiên và Châu Giang: Tổng diện tích tiêu của vùng 11.701 ha do các trạm bơm đã xây dựng phụ trách.

c) Hệ số tiêu thiết kế:

+ Quy hoạch 1997: Khu vực nội thành Hà Nội lấy theo hệ số tiêu thiết kế trạm bơm Yên Sở 11,6 l/s/ha, các khu vực còn lại nằm phía trên cống Đồng Quan 5,84 l/s/ha và phía dưới cống Đồng Quan 6,20 l/s/ha.

+ Quy hoạch năm 2007: Khu vực phía thượng lưu cống Hà Đông lấy theo hệ số tiêu thiết kế trạm bơm Yên Sở 11,6 l/s/ha. Các khu vực còn lại từ cống Hà Đông trở xuống 6,20 l/s/ha.

d) Mực nước tiêu thiết kế trên trục chính sông Nhuệ:

+ Ứng với mực nước lũ sông Đáy tại Phủ Lý 4,80 m: Hà Đông 6,06 m, Đồng Quan 5,78 m, Nhật Tựu 5,21 m, Lương Cổ 4,97 m.

+ Ứng với mực nước lũ sông Đáy tại Phủ Lý 5,30 m: Hà Đông 6,35 m, Đồng Quan 6,12 m, Nhật Tựu 5,63 m, Lương Cổ 5,40 m.

e) Các kết luận quan trọng khác:

1) Quy hoạch khẳng định khi vận hành với mực nước tiêu thiết kế, các cống Nhật Tựu và Lương Cổ chỉ có thể tháo được lưu lượng từ 170 m3/s đến 180 m3/s. Nếu không mở rộng tăng khả năng tiêu thoát của hai cống này thì muốn tiêu được hệ số tiêu thiết kế, hơn 70% diện tích hệ thống phải có công trình tiêu nước ra các sông ngoài.

2) Cải tạo và nâng cấp trục chính sông Nhuệ và sông Duy Tiên đáp ứng yêu cầu dẫn chuyển nước tưới, tiêu. Tăng cường ổn định thân đê, nâng cấp mặt đê đáp ứng được các yêu cầu của giao thông nông thôn và quản lí hệ thống.

3) Xây dựng mới các trạm bơm lớn tiêu ra sông ngoài gồm:

+ Tiêu ra sông Đáy có Ngoại Độ II và Quế II. Quy hoạch năm 2007 bổ sung thêm trạm bơm tiêu Yên Nghĩa tiêu trực tiếp ra sông Đáy lấy sông La Khê làm trục tiêu chính. Do khả năng mở rộng lòng dẫn của sông La Khê có hạn nên Quy hoạch đã tính toán xác định lưu lượng tiêu thiết kế của trạm bơm Yên Nghĩa không vượt quá 146m3/s tương ứng với bề rộng đáy kênh La Khê có mặt cắt chữ nhật không nhỏ hơn 20,0 m.

+ Tiêu ra sông Châu Giang có trạm bơm Tiên Hồng thay thế trạm bơm Lạc Tràng cũ.

f) Một số công trình tiêu biểu đã được đầu tư xây dựng theo quy hoạch:

Ngoài các công trình đã xây dựng được đề cập đến trong giai đoạn thực hiện Quy hoạch hoàn chỉnh thủy nông, trong giai đoạn này trên hệ thống đã xây dựng thêm một số công trình có quy mô khá lớn sau đây:

+ Cống điều tiết Hà Đông mới: Năm 1938-1939 người Pháp xây dựng cống điều tiết Hà Đông tại Km 16+182 trên sông Nhuệ. Cống có 3 cửa trong đó có 1 cửa rộng 6,0 m cho tàu thuyền qua lại và 2 cửa rộng 3,5 m, cao trình ngưỡng cống – 0,81 m. Theo các tài liệu cũ, mực nước thiết kế lớn nhất khi tiêu của cống là +3,87 m với lưu lượng tiêu 17,0 m3/s. Năm 2009 cống được xây dựng lại thay cho cống cũ K18+100 trên sông Nhuệ. Các chỉ tiêu thiết kế cũng tương tự cống Hà Đông cũ và đáp ứng yêu cầu tưới tiêu nước theo các chỉ tiêu thiết kế của quy hoạch 1995-1997 và yêu cầu giao thông đô thị.

+ Cống điều tiết Đồng Quan: Cống được xây dựng năm 1938-1941 tại K43+750 trên sông Nhuệ có 5 cửa rộng 2,5 m, 1 cửa rộng 6,0 m và 1 âu thuyền rộng 6,0 m dài 80 m. Theo các tài liệu cũ, mực nước thiết kế tiêu bình thường là +1,81 m với lưu lượng tiêu thiết kế 50 m3/s, mực nước tiêu lớn nhất +2,82 m. Cống Đồng Quan cũng đã được cải tạo nâng cấp trong giai đoạn này.

+ Cống Phủ Lý: Cống Phủ Lý cũ xây dựng năm 1962 trên sông Châu Giang có 4 cửa rộng 4,0 m và 1 cửa rộng 6,0 m có nhiệm vụ chống lũ thay cho cống Điệp Sơn và tiêu nước cho lưu vực của sông Duy Tiên. Năm 2010 cống Phủ Lý mới đã hoàn thành việc xây dựng lại thay thế cống cũ.

+ Cống điều tiết Hòa Mỹ: Xây dựng năm 1986 tại vị trí K1+400 trên sông Vân Đình cùng với dự án trạm bơm tiêu Vân Đình, có 1 cửa rộng 6 m, cao trình đáy 0,00. Nhiệm vụ chủ yếu của cống là ngăn nước từ sông Nhuệ chảy vào sông Vân Đình khi trạm bơm Vân Đình làm việc. Năm 2012 Cống Hoà Mỹ cũng được xây dựng lại thay thế cống cũ.

+ Cống Liên Mạc 2: Xây dựng năm 2000 tại Km 1+104 trên sông Nhuệ, cách cống Liên Mạc 1 khoảng 800 m về phía hạ lưu. Bề rộng dẫn nước của cống tương đương với cống Liên Mạc 1, gồm 2 cửa dẫn nước, bề rộng mỗi cửa 6,0 m và 01 âu thuyền rộng 6,0 m. Cao trình ngưỡng cống + 0,50 m. Cống Liên Mạc 2 là công trình thay thế cống Liên Mạc 1 bảo đảm an toàn cho thành phố Hà Nội trong mùa mưa lũ và dẫn nước tưới từ sông Hồng vào hệ thống sông Nhuệ thông qua cống Liên Mạc 1.

5. Từ năm 2009 đến nay

5.1. Quyết định của Thủ tướng Chính Phủ

Sau trận úng ngập lịch sử do mưa cực lớn bất thường xuất hiện gần như đồng thời trên toàn bộ vùng Đồng bằng Bắc Bộ với tâm mưa là khu vực Hà Nội xảy ra vào cuối tháng 10 đầu tháng 11/2008, Thành Phố Hà Nội thành lập tổ chuyên gia tư vấn phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu lập quy hoạch tiêu nước cho Thủ đô Hà Nội. Giám đốc Trung tâm Khoa học và Triển khai Kỹ thuật Thủy lợi là thành viên tích cực của tổ chuyên gia tư vấn này.

Ngày 01/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 937/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tiêu nước Hệ thống Thủy lợi Sông Nhuệ. Theo đó trên hệ thống sẽ xây dựng mới một số trạm bơm và nâng cấp các trạm bơm hiện có. Cụ thể như sau:

1) Hệ số tiêu:

a) Khu vực nội thành Hà Nội: 

- Phía Đông sông Tô Lịch:

q = 17,9 l/s/ha


- Phía Tây sông Tô Lịch:

q = 19,7 l/s/ha


b) Khu vực ngoại thành Hà Nội và các khu vực khác:


q = 6 - 8 l/s/ha.


2) Phân vùng tiêu và công trình tiêu nước:

a) Khu vực thuộc nội thành TP. Hà Nội và các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liên, Đan Phượng, Hoài Đức:

Tiêu nước ra sông Hồng 19.353 ha, gồm:+ Trạm bơm Liên Mạc I, Liên Mạc II, lưu lượng 170 m3/s, tiêu 9.200 ha và kết hợp nhiệm vụ tiếp nguồn nước vào sông Nhuệ khi cần thiết.
+ Trạm bơm Nam Thăng Long, lưu lượng 9 m3/s, tiêu 450 ha.
+ Trạm bơm Yên Sở III, lưu lượng 55 m3/s, kết hợp với trạm bơm Yên Sở I và Yên Sở II (đã có, lưu lượng 90 m3/s), tiêu 7.753 ha.
+ Trạm bơm Đông Mỹ, lưu lượng 35 m3/s, tiêu 1.950 ha.

- Tiêu nước ra sông Đáy 9.800 ha, gồm:
+ Trạm bơm Yên Nghĩa, lưu lượng 120 m3/s, tiêu 6.300 ha.
+ Trạm bơm Yên Thái, lưu lượng 54 m3/s, kết hợp trạm bơm Đào Nguyên 15 m3/s, tiêu 3.500 ha.

- Tiêu nước ra sông Nhuệ 990 ha do trạm bơm Ba Xá, lưu lượng 20 m3/s, đảm nhận.

b) Khu vực ngoại thành TP. Hà Nội và các huyện thuộc tỉnh Hà Nam:

- Tiêu nước ra sông Hồng 9.822 ha, gồm:
+ Trạm bơm Bộ Đầu, lưu lượng 15m3/s, tiêu 1.150 ha.
+ Bổ sung năng lực tiêu cho hai trạm bơm Khai Thái và Yên Lệnh đã có, đưa tổng lưu lượng tiêu lên 50m3/s, tiêu 8.672 ha.

- Tiêu nước ra sông Đáy 27.020 ha, gồm:
+ Các trạm bơm Phương Trung, Cao Sơn Dương, Ngọ Xá và Vân Đình, tổng lưu lượng tiêu 60m3/s, tiêu 10.800 ha.
+ Các trạm bơm Ngoại Độ I, Ngoại Độ II, tổng lưu lượng 50m3/s, tiêu 9.220 ha.
+ Các trạm bơm Quế I, Quế II và Quế III cùng với các trạm bơm đã có, có tổng lưu lượng tiêu 40m3/s, tiêu nước cho 7.000 ha.

- Tiêu nước ra sông Nhuệ, sông Châu 41.535 ha, gồm 55 trạm bơm đã có, đưa tổng công suất lên 348 m3/s.

5.2.      Kết quả nghiên cứu của Trung tâm Khoa học và Triển khai Kỹ thuật Thủy lợi

Năm 2010 đề tài NCKH cấp Bộ Nghiên cứu ảnh hưởng của công nghiệp hóa và đô thị hóa đến hệ số tiêu vùng Đồng bằng Bắc Bộ” do Trung tâm Khoa học và Triển khai Kỹ thuật Thủy lợi thực hiện đã được nghiệm thu và công bố. "Ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề tài cho Hệ thống Thủy lợi Sông Nhuệ" là một trong những nội dung nghiên cứu quan trọng nhất của đề tài khoa học nói trên. Trong quá trình triển khai thực hiện đề tài, kết quả nghiên cứu được sử dụng ngay vào thực tiễn giải quyết vấn đề tiêu thoát nước cho Hệ thống Thủy lợi Sông Nhuệ và Thủ đô Hà Nội. Cụ thể như sau:

1) Phân vùng tiêu:

- Vùng phía tây sông Tô Lịch (Vùng Yên Nghĩa - Liên Mạc): Tổng diện tích cần tiêu là 19.438 ha (Hà Đông 3.281 ha, Từ Liêm 930 ha, Đan Phượng 6.648 ha, Hoài Đức 8.679 ha).

- Vùng phía đông sông Tô Lịch (Vùng Yên Sở - Thanh Trì): Tổng diện tích cần tiêu 10.954 ha, bao gồm các quận nội thành Hà Nội nằm phía đông sông Tô Lịch và huyện Thanh Trì, trong đó lưu vực tiêu của trạm bơm Yên Sở đã có là 7.750 ha và 3.204 ha khu vực phía nam huyện Thanh Trì.

- Vùng phía bắc cống Đồng Quan: Tổng diện tích cần tiêu 30.659 ha gồm các tiểu vùng La Khê, Hồng Vân (theo quy hoạch năm 2007 đã được Bộ phê duyệt) và 1.000 ha lưu vực tiêu của trạm bơm Vân Đình nằm phía nam sông Vân Đình (trước đây thuộc tiểu vùng Nam Ứng Hoà), trong đó đất canh tác có 24.533 ha.

- Vùng phía nam cống Đồng Quan: Tổng diện tích cần tiêu 46.379 ha, trong đó có 31.973 ha đất canh tác thuộc các tiểu vùng theo quy hoạch năm 2007 là Nam Ứng Hoà (đã chuyển 1.000 ha sang tiểu vùng La Khê), Phú Xuyên, Duy Tiên, Kim Bảng (các tiểu vùng Duy Tiên và Kim Bảng đã bao gồm một phần thành phố Phủ Lý nằm phía bắc sông Châu Giang).

2) Cống điều tiết Xuân Phương:

Riêng vùng tiêu phía tây sông Tô Lịch (Vùng Yên Nghĩa - Liên Mạc) có hai hướng tiêu ra sông ngoài là sông Hồng và sông Đáy:

- Tiêu ra sông Hồng do hai trạm bơm Liên Mạc và Nam Thăng Long phụ trách. Trạm bơm Liên Mạc lấy sông Nhuệ làm trục tiêu chính.

- Tiêu ra sông Đáy do 3 trạm bơm gồm Yên Nghĩa, Đào Nguyên và Yên Thái phụ trách. Trạm bơm Yên Nghĩa lấy sông La Khê làm trục tiêu chính.

Để đảm bảo hai trạm bơm Yên Nghĩa và Liên Mạc tiêu chủ động ra sông ngoài, trên sông Nhuệ đoạn từ Hà Đông đến Liên Mạc phải bố trí một cống điều tiết và phân chia tạm thời vực tiêu của các trạm bơm này. Vị trí cụ thể của cống sẽ được nghiên cứu lựa chọn trong giai đoạn lập dự án đầu tư. Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Khoa học và Triển khai Kỹ thuật Thủy lợi, cống điều tiết tạm thời được đặt tên là Xuân Phương (khu vực phía hạ lưu cửa ra của mương tiêu Xuân Phương (K8+380) và phía thượng lưu cửa ra của kênh Cầu Ngà (K9+050).  Ngoài nhiệm vụ phân chia tạm thời lưu vực tiêu của trạm bơm Yên Nghĩa với trạm bơm Liên Mạc khi cả hai trạm bơm này cùng làm việc theo yêu cầu và thoả mãn yêu cầu giao thông thủy, cống điều tiết Xuân Phương còn có các nhiệm vụ chính sau đây:

         - Dẫn đủ nước cấp cho các nhu cầu sử dụng trong hệ thống Sông Nhuệ (nước tưới và các nhu cầu khác kể cả lượng nước bảo vệ môi trường) đang sử dụng nước sông Hồng cấp qua cống Liên Mạc và qua trạm bơm Liên Mạc.

         - Dẫn nước từ lưu vực của trạm bơm Yên Nghĩa về trạm bơm Liên Mạc và dẫn ngược lại từ lưu vực của trạm bơm Liên Mạc về trạm bơm Yên Nghĩa khi cần tiêu hỗ trợ.

         - Kết hợp làm cầu giao thông qua hai bờ sông Nhuệ .

3) Hệ số tiêu thiết kế:

Vùng Yên Nghĩa - Liên Mạc:

q = 19,74 l/s/ha  (Hồ điều hòa chiếm 2,0 %)


- Vùng Yên Sở - Thanh Trì:


         + Yên Sở:

q = 17,47 l/s/ha

         + Nam Thanh Trì:

q = 17,65 l/s/ha (Hồ điều hòa chiếm 3,5 %)


- Vùng phía bắc cống Đồng Quan:


q = 8,99 l/s/ha (Hồ điều hòa chiếm 3,0 %)


- Vùng phía nam cống Đồng Quan:  


q = 11,0 l/s/ha (Hồ điều hòa chiếm 3,0 %)



4) Khả năng thoát lũ của trục chính Nhuệ:

Khi tiêu với mực nước thiết kế thì lưu lượng tiêu lớn nhất của sông Nhuệ qua cống Đồng Quan không vượt quá 145 m3/s, qua cống Nhật Tựu và Lương Cổ không vượt quá 245 m3/s. Theo tinh toán, để đảm bảo an toàn cho hệ thống đê sông Nhuệ và đồng bộ quy hoạch tiêu nước cho hệ thống, lưu lượng nước từ các tiểu vùng tiêu vào sông Nhuệ nằm trong giới hạn sau đây:

- Khu vực thượng lưu cống Hà Đông:                                   22,1 m3/s. Trong đó:

         + Tiểu vùng Yên Sở - Thanh Trì:                    22,1 m3/s.

- Khu vực từ cống Hà Đông đến Đồng Quan:                       122,4 m3/s. Trong đó:

         + Tiểu vùng La Khê (Hữu Nhuệ):                  53,5 m3/s.

         + Tiểu vùng Hồng Vân (Tả Nhuệ):                 68,9 m3/s.

- Khu vực từ cống Đồng Quan đến Nhật Tựu và Lương Cổ:  100,6 m3/s. Trong đó:

         + Tiểu vùng Nam Ứng Hòa (Hữu Nhuệ):       28,0 m3/s.

         + Tiểu vùng Kim Bảng (Hữu Nhuệ):              13,8 m3/s.

         + Tiểu vùng Phú Xuyên (Tả Nhuệ):                55,0 m3/s.

         + Tiểu vùng Duy Tiên (Tả Nhuệ):                     3,8 m3/s.

5) Sự phù hợp giữa kết quả nghiên cứu của Trung tâm Khoa học và Triển khai Kỹ thuật Thủy lợi với Quyết định số 937/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

Các số liệu tóm tắt nêu trên cho thấy kết quả nghiên cứu về phân vùng tiêu, hệ số tiêu và lưu lượng yêu cầu tiêu ra các sông của đề tài nghiên cứu do Trung tâm Khoa học và Triển khai Kỹ thuật Thủy lợi thực hiện phù hợp với Quyết định số 937/QĐ-TTg ngày 01/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy trong nghiên cứu, tính toán thiết kế cải tạo nâng cấp hệ thống, tùy từng trường hợp cụ thể, có thể sử dụng chỉ tiêu thiết kế của một trong hai tài liệu nêu trên theo hướng nâng cao điều kiện an toàn.

5.3.      Quy trình vận hành hệ thống  

Theo Quy trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi Sông Nhuệ ban hành theo quyết định số 2152/QĐ-BNN-TCTL ngày 11/6/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trên Hệ thống Thủy lợi Sông Nhuệ hiện có 61.629 ha đất nông nghiệp cần tưới trong tổng số 107.530 ha đất tự nhiên.

- Hệ số tưới thiết kế áp dụng cho các vùng của hệ thống như sau:

         + Khu vực thượng lưu cống Hà Đông :                     qtk = 1,41 l/s/ha

         + Khu vực từ cống Hà Đông đến Đồng Quan:          qtk = 1,39 l/s/ha

         + Khu vực từ cống Đồng Quan đến Nhật Tựu:          qtk = 1,39 l/s/ha

Mực nước lớn nhất cho phép duy trì tại một số điểm nút trên trục chính sông nhuệ (mực nước thiết kế tiêu) như sau:

a) Các trạm bơm không được bơm vào sông Nhuệ khi:

         - Thượng lưu cống Đồng Quan:                                 +5,00 m

         - Thượng lưu cống Nhật Tựu:                                     +4,70 m

b) Khi vận hành các trạm bơm tiêu nước đệm và tiêu hỗ trợ cho hệ thống để duy trì mực nước trên sông Nhuệ tại một số vị trí không vượt quá quy định sau:

         - Hạ lưu cống Hòa Mỹ:                                               + 4,00 m

         - Thượng lưu cống Hà Đông:                                     + 4,00 m

         - Hạ lưu đập Thanh Liệt:                                             + 4,50 m

5.4.      Các công trình đã thực hiện

Cho đến nay mới chỉ có công trình trạm bơm tiêu Yên Nghĩa lắp 10 tổ máy, tổng lưu lượng 120 m3/s đang hoàn thiện những phần việc cuối cùng, chuẩn bị đưa vào vận hành khai thác.

0 nhận xét:

Post a Comment

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
DMCA.com Protection Status
Thông tin về thiên tai Việt Nam

Chia sẻ